Quang phổ chính là các vạch tối hoặc sáng do sự phát xạ hoặc hấp thụ ánh sáng trong một dải tần số hẹp, so với các tần số lân cận. Quang phổ gồm ba loại, đó chính là quang phổ liên tục, quang phổ vạch phát xạ và quang phổ vạch hấp thụ. Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về quang phổ vạch hấp thụ.
Quang phổ hấp thụ là gì?
Quang phổ hấp thụ (hay quang phổ vạch hấp thụ) là quang phổ bao gồm những vạch tối nằm trên nền của quang phổ liên tục. Quang phổ chứa các vạch quang phổ thì được gọi là quang phổ vạch.
Điều kiện phát sinh của loại quang phổ này là khi chúng ta chiếu một loại ánh sáng trắng qua bất kỳ một khối khí hoặc hơi đã bị nung nóng ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của nguồn sáng trắng sẽ tạo ra chúng.
Máy đo quang phổ hấp thụ
>>>Xem thêm: Quang phổ liên tục là gì? Có đặc điểm như thế nào?
Quang phổ hấp thụ có một vài đặc điểm như sau:
- Xuất hiện hiện tượng đảo sắc của các vạch quang phổ: Khi có quang phổ vạch hấp thụ (quang phổ hấp thụ) của một đám khí hay hơi, nếu tắt nguồn sáng trắng thì nền của quang phổ liên tục sẽ biến mất và những vạch đen của quang phổ vạch hấp thụ sẽ trở thành những vạch màu của quang phổ vạch phát xạ của chính đám khí hay hơi đó.
- Ở một nhiệt độ nhất định, một đám khí hoặc hơi có khả năng phát xạ ra những loại ánh sáng đơn sắc nào thì nó cũng sẽ có khả năng hấp thụ những loại ánh sáng đơn sắc đó.
- Mỗi nguyên tố hóa học đều có quang phổ vạch hấp thụ riêng đặc trưng cho chính nguyên tố đó.
Hiện nay, quang phổ vạch hấp thụ được ứng dụng trong việc nhận biết sự có mặt hay xuất hiện của một nguyên tố hóa học nào đó trong hỗn hợp hay hợp chất.
Quang phổ hấp thụ nguyên tử
Quang phổ hấp thụ nguyên tử được biết đến là một trong những phương pháp quang phổ hay được dùng để định tính và định lượng trong hóa phân tích.
Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS) là một loại phương pháp phân tích phổ hấp thụ nguyên tử được dùng để phân tích lượng nhỏ (lượng vết) các kim loại trong các loại vật mẫu khác nhau của các chất hữu cơ và vô cơ. Phương pháp phổ hấp thụ nguyên tử có thể định lượng được đa số các kim loại (khoảng 65 nguyên tố) và một số loại á kim ở giới hạn nồng độ cỡ ppm (µg) đến nồng độ ppb (ng).
Máy quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS) thực hiện đo nồng độ nguyên tử ở mức phần triệu trong tất cả các mẫu dựa trên khả năng hấp thụ ánh sáng của chúng ở một bước sóng nhất định. Hầu như là các mẫu phân tích bằng phương pháp AAS là các mẫu chất lỏng, các mẫu rắn cũng có thể được phân tích sau khi được hóa lỏng nhưng không chính xác bằng.
>>>Xem thêm: Máy quang phổ UV-VIS được ứng dụng trong các lĩnh vực nào?
Phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử là một trong những phương pháp tốt nhất để xác định các nguyên tố kim loại
Phổ hấp thu nguyên tử dựa vào khả năng hấp thu chọn lọc các bức xạ cộng hưởng của nguyên tử ở vào trạng thái tự do. Đối với mỗi nguyên tố, có thể nói vạch cộng hưởng thường là vạch quang phổ nhạy nhất của phổ phát xạ nguyên tử của chính nguyên tử đó.
Các nguyên tử tự do được tạo ra nhờ tác dụng của nguồn nhiệt biến các chất từ trạng thái tập hợp bất kỳ trở thành trạng thái nguyên tử, do quá trình nguyên tử hóa. Quá trình nguyên tử hóa có thể được thực hiện bằng phương pháp ngọn lửa (phun dung dịch phân tích vào ngọn đèn khí) hay phương pháp không ngọn lửa (lò graphit).
Trong điều kiện nhiệt độ không quá cao thì hầu hết các nguyên tử ở trạng thái cơ bản, khi đó hướng vào nó một chùm bức xạ điện từ có tần số bằng tần số cộng hưởng các nguyên tử ở trạng thái tự do có thể hấp thụ các bức xạ cộng hưởng này và làm giảm cường độ.
Hy vọng rằng qua bài viết trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về khái niệm quang phổ hấp thụ là gì và phương pháp quang phổ hấp thụ nguyên tử. Quang phổ hấp thụ phổ biến và được áp dụng thường xuyên trong cuộc sống nhưng không dễ dàng được tiếp xúc với chúng.