Trong Đông y, tổ con bọ ngựa là vị thuốc được sử dụng để trị bệnh quen thuộc trong dân gian. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số bài thuốc chữa bệnh có sử dụng tổ con bọ ngựa.
Tổ con bọ ngựa có tác dụng gì?
Tổ bọ ngựa còn gọi tang phiêu tiêu, có tên khoa học Ootheca Mantidis. Tổ con bọ ngựa là cái tổ bọc các quả trứng của chúng trên cây dâu tằm. Theo nghiên cứu hiện đại, tổ bọ ngựa có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe như abumin, axit amin, chất béo, sắt, canxi, lipit, protein, calcium…
Theo Đông y, tang phiêu tiêu vị ngọt mặn, tính bình; vào kinh can và thận. Tổ con bọ ngựa có tác dụng bổ thận tráng dương, sáp niệu, cố tinh, an thần, định chí… Bên cạnh đó còn chữa mồ hôi trộm, tiểu nhiều về đêm; di tinh liệt dương, xuất tinh sớm; đau lưng mỏi gối, trẻ em đái dầm, người cao tuổi tiểu són; phụ nữ bế kinh, khí hư.
Tang phiêu tiêu được thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 1 năm sau, sau khi lấy về sẽ phơi hoặc sấy khô và đựng trong lọ kín dùng. Khi dùng thì đập giập rồi sắc cùng các vị thuốc khác hoặc sao giòn, tán bột uống. Trong các bài thuốc của y học cổ truyền thường có sự hiện diện của tang phiêu tiêu phối hợp với một số vị thuốc khác trong chữa bệnh.
Xem thêm: Một số bí quyết đuổi côn trùng đơn giản tại nhà
Một số bài thuốc trị bệnh có tang phiêu tiêu
– Trị các chứng thận hư tiểu rắt, tiểu són, trẻ em đái dầm:
- Bài 1: tổ bọ ngựa 10g, liên tu 10g, kim anh 10g, hoài sơn 15g. Bài thuốc này dùng để trị đau lưng, tiểu són và người nên sắc uống trong ngày.
- Bài 2: tang phiêu tiêu 12g, thạch xương bồ 6g, viễn chí 6g, đảng sâm 12g, long cốt 12g, quy bản 12g, đương quy 12g, phục linh 12g, cam thảo 4g. Các vị nghiền thành bột hoặc sắc uống. Bài thuốc này dùng để trị chứng thận khí không chắc, hay đi tiểu vặt.
- Bài 3: tang phiêu tiêu 20g, ích trí nhân 20g. Dùng để trị chứng hạ tiêu hư hàn (lạnh bụng dưới) tiểu vặt, tiểu rắt, tiểu dầm. Người bệnh sắc uống trong ngày.
- Bài 4: tang phiêu tiêu 30g, thạch hộc 20g, ba kích 30g, đỗ trọng 20g. Các vị sao, phơi sấy khô, tán bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn, viên 6g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên, uống với ít rượu hâm nóng. Bài thuốc này giúp chữa đau lưng, tiểu són.
- Bài 5: tang phiêu tiêu 12g, bổ cố chỉ 12g, đảng sâm 12g, ích trí nhân 10g, thỏ ty tử 10g, ba kích 10g. Sắc uống 2 – 3 lần trong ngày. Bài thuốc chữa tiểu dầm.
– Trị thận hư, di tinh, xuất tinh sớm:
- Bài 1: Tang phiêu tiêu, long cốt nung sử dụng với liều lượng bằng nhau, sau đó tán thành bột. Mỗi lần uống 8g, chiêu với nước muối. Bài thuốc này chữa di tinh.
- Bài 2: tổ bọ ngựa 10 cái và đường trắng 12g. Tổ bọ ngựa đốt thành than, nghiền thành bột, trộn với đường trắng. Buổi tối trước khi đi ngủ, người bệnh uống một lần và áp dụng liền trong 3 ngày. Bài thuốc này chữa di tinh.
– Chữa xuất huyết (phổi và dạ dày): tang phiêu tiêu 10g và bạch cập 15g. Sắc uống trong ngày.
– Chữa bạch đới, khí hư: tang phiêu tiêu tẩm rượu, sao khô, tán nhỏ và rây bột mịn. Mỗi lần uống 8g với nước gừng, ngày uống 2 – 3 lần.
– Chữa hóc xương cá: tang phiêu tiêu 12g giã nhỏ, nấu với giấm, uống làm nhiều lần trong ngày.
– Chữa tiểu tiện không thông: tổ bọ ngựa 9g và hoàng cầm 10g. Sắc uống trong ngày.
Xem thêm: Tìm hiểu về đặc điểm và hình ảnh con bọ ngựa
Cách dùng tổ con bọ ngựa chữa viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng và sưng viêm do vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Đây là dạng bệnh lý ở tai phổ biến, thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh này gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chức năng nghe do tai bị sưng viêm, chất dịch tích tụ. Nếu điều trị không đúng phương pháp có thể khiến viêm tai giữa chuyển biến nghiêm trọng và gây biến chứng nguy hiểm.
Trong dân gian còn lưu truyền 2 cách chữa viêm tai giữa bằng tổ con bọ ngựa như sau:
Sử dụng tổ con bọ ngựa nguyên chất
Cách chữa viêm tai giữa phổ biến trong dân gian là thổi bột tổ con bọ ngựa nguyên chất. Phương pháp này được thực hiện rất đơn giản, người bệnh có thể thực hiện ngay ở nhà để ngăn chặn tình trạng viêm đau nặng hơn.
Cách sử dụng ổ bọ ngựa chữa bệnh viêm tai giữa như sau:
- Tổ bọ ngựa đem nung tồn tính, tán nhỏ, bỏ vào hũ rồi đậy nắp kín lại. Bảo quản bột thuốc ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, mối mọt làm giảm dược tính.
- Khi dùng lấy một ít bột tổ bọ ngựa ra rồi thổi trực tiếp vào bên lỗ tai người bệnh bệnh.
- Thực hiện đều đặn 2 lần mỗi ngày, áp dụng trong khoảng 5 – 7 ngày các triệu chứng bệnh viêm tai giữa sẽ thuyên giảm.
Lưu ý: Mỗi lần chỉ dùng một lượng nhỏ bột, và tránh thổi quá nhiều khiến lỗ tai bị ách tắc, khó dẫn lưu mủ ra ngoài.
Sử dụng tổ bọ ngựa kết hợp với xạ hương
Xạ hương là nguyên liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, diệt virus tự nhiên và không gây tác dụng phụ. Có thể kết hợp dược liệu này với tổ bọ ngựa để làm tăng công năng trị bệnh.
Cách thực hiện như sau:
– Chuẩn bị: Tổ bọ ngựa: 10g, Xạ hương: 0.5g.
– Cách sử dụng thuốc:
- Tổ bọ ngựa đem đi sấy khô, đốt tồn tính (nung cháy thành than) và cho vào cối giã thành bột mịn. Còn xạ hương đem đi tán nhỏ thành bột.
- Sau đó, đem cả hai nguyên liệu trên trộn đều với nhau.
- Khi dùng lấy một đầu tăm bông nhỏ chấm bột thuốc bôi rồi vào bên tai bị viêm.
- Áp dụng cách điều trị này 2 ngày 1 lần để có hiệu quả tốt nhất. Kiên trì áp dụng, bột thuốc sẽ hút mủ, làm khô ráo bề mặt da và chống viêm nên các triệu chứng sưng viêm sẽ giảm nhanh chóng.
Lưu ý: Người bệnh chú ý thao tác nhẹ nhàng, không chọc ngoáy tăm bông sâu vào bên trong khiến tai bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Tốt nhất người bệnh nên nhờ người khác thực hiện bôi bột thuốc.
Việc sử dụng tổ con bọ để chữa bệnh cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Trong quá trình sử dụng tổ bọ ngựa chữa viêm tai giữa, người bệnh cần giữ cho tai luôn khô ráo, sạch sẽ, đồng thời nên thăm khám thường xuyên, nội soi tai để theo dõi diễn tiến bệnh, đánh giá được kết quả điều trị và kịp thời thay đổi phương pháp nếu cần thiết.