Tìm hiểu các loại côn trùng quý hiếm tại Việt Nam
Bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay. Một số loại côn trùng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc những loại côn trùng quý hiếm hiện nay.
Các loại côn trùng quý hiếm tại Việt Nam
Bọ lá
Bọ lá cơ thể có dạng lá màu xanh. Thân dài 95 mm, hai cánh trên dài và rộng, hình chiếc lá màu xanh. Hai cánh dưới hình quạt nan, có nhiều gân và trong suốt. Đốt ngực giữa dài hơn hai đốt ngực trước và sau. Bụng dẹt mỏng theo hướng lưng bụng, Đôi chân trước, đốt ống có riềm mỏng rộng hơn nhiều, các riềm này cũng có màu xanh và trông giống như lá cây bị rách. Hai đôi chân tiếp theo cũng có viền như đôi chân trước, nhưng nhỏ hơn.
Tìm hiểu thêm: Côn trùng đốt
Bọ lá biến thái không hoàn toàn. Trứng nở ra ấu trùng có dạng như trưởng thành, chỉ khác cánh và hệ sinh dục chưa phát triển. Bọ lá thuộc nhóm côn trùng hiếm thấy, có ít số lượng loài và cá thể.
Bọ lá chỉ sống ở vùng nhiệt đới, trên các cành cây trong rừng ẩm, ít thấy trên các cây cỏ ở mặt đất. Chúng thường bị bò sát, chim tấn công và một số ong ký sinh, ruồi ký sinh lên trứng.
Phân bố: ở Việt Nam, Bọ lá sống trong vùng rừng các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Hoà Bình, Ninh Bình), trên thế giới: Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.
Bọ ngựa thông thường
Cơ thể Bọ ngựa dài 40-80 mm, hai cánh trước hơi cứng, đồng màu với thân; hai cánh sau phát triển rộng, mỏng, trông như tấm kính, dùng để bay. Đốt ngực trước dạng ống kéo dài. Đôi chân trước có dạng l¬ưỡi kiếm, bờ trong có răng, dùng để bắt mồi và chiến đấu với kẻ thù. Bọ ngựa thông thường có màu sắc thay đổi, thường xanh lá cây, màu cỏ úa hoặc vàng, nâu.
Xem thêm: Côn trùng bay vào mắt
Bọ ngựa thuộc côn trùng săn mồi, ăn thịt, thậm chí còn ăn thịt lẫn nhau, đặc biệt con cái có thể ăn thịt con đực ngay trong thời gian giao phối hoặc sau đó. Một lần đẻ khoảng 100-300 trứng, sắp đều đặn trong nang trứng. Bọ ngựa sinh sống khắp trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là loài duy nhất thuộc bộ Bọ ngựa (Mantodea) được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Bọ ngựa là loài có ích vì tiêu diệt nhiều côn trùng có hại, là vị thuốc đông y và vẻ đẹp trong thiên nhiên. Số lượng Bọ ngựa còn rất ít và hiếm gặp do phun thuốc trừ sâu, biến đổi môi trường, kẻ thù tự nhiên (chim, bò sát…), ăn thịt lẫn nhau…
Bướm đuôi dài xanh lá chuối
Bướm có đuôi dài, xuất hiện ở miền bắc Ấn Độ, Malaysia, Java, Sulawesi và ở Trung Bộ, Nam Bộ của Việt Nam. Đây là một trong những loài bướm đẹp nhất, có độ sải cánh gần 20 cm, đuôi dài có màu xanh lá chuối non, con đực có râu dạng kép ngắn. Con đực nhỏ và thon, sải cánh đẹp hơn con cái, chân có nhiều lông. Riêng con đực, bàn chân sau và giữa có hai cựa.
Do là loài bướm có màu sắc đẹp, nên chúng thường bị nhiều người sưu tầm côn trùng tìm kiếm và do môi trường rừng ngày càng bị thu hẹp nên trở thành loài quý hiếm được đưa vào Sách đỏ của Việt Nam ở mức rất nguy cấp (CR).
Bướm khế
Bướm đêm Atlas, còn được gọi là Bướm khế vì hay đẻ trứng và phát triển trên cây khế, cũng có nơi gọi là Bướm bà. Vùng phân bố loài này ở rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Đông Nam Á, phổ biến ở quần đảo Malaysia. Bướm đêm Atlas được xem là loài Bướm đêm lớn nhất trên thế giới với tổng diện tích bề mặt cánh lên tới 400 cm2. Sải cánh của chúng cũng thuộc loại lớn nhất (25-30 cm). Con cái lớn và nặng hơn con đực. Bướm khế là một trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ Việt Nam ở mức rất nguy cấp (CR).
Bướm phượng cánh kiếm
Bướm phượng cánh kiếm hay Bướm đuôi kiếm xanh có tên khoa học là Graphium antiphates, tên khác là Pathysa antiphates, là loài bướm có kích thước trung bình, chiều rộng sải cánh đạt 80-95 mm. Cánh con đực và con cái có kích thước như nhau, màu trắng vàng, có nhiều vạch đen. Mặt trên của cánh trước có 7 vạch đen, vạch thứ 2 kéo dài tới giữa cánh và các vạch cánh còn lại kéo dài khoảng 1/5 cánh. Cánh sau có đuôi dài dạng kiếm. Mép cánh và kiếm có màu đen. Mặt trên của cánh sau màu trắng vàng với nhiều vết và chấm đen.
Loài này thường thấy ở bìa rừng, ven suối và nơi ẩm ướt. Chúng được xếp vào nhóm nguy cấp (EN).